Khi viêm họng, nhiều người nghĩ ngay đến việc dùng kháng sinh. Nhưng khi nào mới thực sự cần dùng kháng sinh trị viêm họng và dùng như thế nào mới đúng? Cùng dược sĩ 5s tìm hiểu nhé!
1.Nguyên nhân gây viêm họng
Viêm họng có thể khiến bạn đau khi nuốt, họng khô và ngứa họng, ho nhiều, khàn giọng, có dịch tiết vùng họng, có thể sốt nhẹ kèm đau đầu. Nguyên nhân gây viêm họng bao gồm:
- Virus: Ví dụ virus gây cảm lạnh hoặc cúm.
- Vi khuẩn: Liên cầu khuẩn nhóm A, gây viêm họng liên cầu khuẩn
- Dị ứng.
- Hút thuốc hoặc tiếp xúc với khói thuốc thụ động.
Một số biểu hiện giúp phân biệt viêm họng do vi khuẩn liên cầu và viêm họng do virus:
- Viêm họng do virus: Ho, sổ mũi, khàn tiếng, đau mắt đỏ…
- Viêm họng do liên cầu khuẩn: Khởi phát đau họng nhanh, đau khi nuốt, sốt, amidan sưng đỏ, đôi khi có mảng trắng hoặc vệt mủ, nhiều đốm đỏ nhỏ trên vòm miệng, sưng hạch bạch huyết ở phía trước cổ. Đôi khi người bị viêm họng liên cầu khuẩn còn bị phát ban.
2. Khi nào cần dùng kháng sinh?
2.1. Viêm họng do virus
Nếu virus gây viêm họng, thuốc kháng sinh sẽ không giúp ích gì mà còn có thể gây hại bởi các tác dụng phụ từ nhẹ, như phát ban, đến phản ứng dị ứng nghiêm trọng, kháng kháng sinh và nhiễm Clotridium difficile (gây tiêu chảy có thể dẫn đến tổn thương ruột kết nghiêm trọng và tử vong).
Hầu hết các cơn đau họng sẽ tự khỏi trong vòng một tuần. Điều trị bằng cách nghỉ ngơi, dùng thuốc giảm đau và các liệu pháp khác nhằm làm giảm các triệu chứng.
2.2. Viêm họng do vi khuẩn
Viêm họng liên cầu khuẩn là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn rất dễ lây lan ảnh hưởng đến cổ họng và amidan do vi khuẩn có tên là Streptococcus nhóm A gây ra. Nó có thể ảnh hưởng đến người lớn, nhưng phổ biến nhất ở trẻ em trong độ tuổi đi học đặc biệt là trẻ từ 5 đến 15 tuổi.
Ngay cả khi mùa virus đường hô hấp của mùa đông qua đi, tình trạng nhiễm trùng cổ họng vẫn ở mức cao. Bệnh liên cầu khuẩn thường đạt đỉnh điểm vào khoảng tháng 12 đến tháng 4, có thể gây ra nhiều bệnh nhiễm trùng từ bệnh nhẹ đến nguy cơ gặp biến chứng nặng, nếu không điều trị thích hợp.
Viêm họng do vi khuẩn cần dùng kháng sinh để điều trị nhiễm trùng và ngăn ngừa các biến chứng khác. Mặc dù không phổ biến nhưng viêm họng liên cầu khuẩn không được điều trị có thể dẫn đến nhiễm trùng xoang hoặc tai, áp-xe amidan, sốt ban đỏ hoặc các biến chứng nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như bệnh thận (viêm cầu thận) hoặc bệnh tim (sốt thấp khớp).
Viêm họng liên cầu khuẩn là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn rất dễ lây lan ảnh hưởng đến cổ họng và amidan.
3.Các kháng sinh lựa chọn để điều trị viêm họng
Thông thường kháng sinh được lựa chọn trong trị viêm họng do liên cầu bao gồm :
- Penicillin và amoxicillin là kháng sinh được lựa chọn đầu tay để điều trị viêm họng do liên cầu khuẩn nhóm A.
- Đối với những bệnh nhân bị dị ứng penicillin, phác đồ được khuyến cáo bao gồm cephalosporin phổ hẹp (cephalexin, cefadroxil), clindamycin, azithromycin và clarithromycin.
Hầu hết các trường hợp viêm họng liên cầu đáp ứng nhanh với liệu pháp kháng sinh. Lưu ý, không được tùy tiện dùng kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Chỉ dùng thuốc kháng sinh khi được bác sĩ kê đơn và hướng dẫn dùng. Cần tuân thủ liệu trình điều trị (từ 7-10 ngày), không bỏ thuốc giữa chừng để tránh vi khuẩn quay trở lại khiến bệnh không khỏi, nặng lên, thậm chí có thể gây kháng thuốc.
Tác dụng phụ của thuốc kháng sinh thường nhẹ và bao gồm đau bụng, buồn nôn, nôn và tiêu chảy. Các yếu tố cần xem xét khi lựa chọn kháng sinh bao gồm độ nhạy cảm của vi khuẩn với kháng sinh, dị ứng của bệnh nhân, liều lượng, mùi vị và giá thành.
Hầu hết các trường hợp viêm họng liên cầu đáp ứng nhanh với liệu pháp kháng sinh.
4.Các thuốc hỗ trợ điều trị viêm họng
4.1.Thuốc giảm đau, hạ sốt trị viêm họng
Thuốc giảm đau không kê đơn như acetaminophen hoặc ibuprofen sẽ giúp giảm đau họng.
- Đối với trẻ em dưới 6 tháng tuổi: Chỉ dùng acetaminophen.
- Trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên: Có thể cho uống acetaminophen hoặc ibuprofen.
Lưu ý, dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, hoặc theo liều ghi trên tờ hướng dẫn, không được tự ý tăng liều thuốc, không cho trẻ dưới 16 tuổi uống aspirin vì nó có thể gây ra hội chứng Reye. Hội chứng Reye là một căn bệnh rất nghiêm trọng nhưng hiếm gặp, có thể gây hại cho gan và não.
4.2. Viên ngậm hoặc thuốc xịt giúp giảm đau họng
Có nhiều loại viên ngậm và thuốc xịt khác nhau được bán không kê đơn chứa thuốc gây tê cục bộ, thuốc sát trùng hoặc thuốc chống viêm để giúp giảm đau họng. Thuốc xịt như benzocaine, phenol. Viên ngậm có thể tồn tại lâu hơn trong cổ họng so với thuốc xịt hoặc thuốc súc miệng và do đó có thể hiệu quả hơn trong việc giảm triệu chứng
Thuốc bắt đầu tác dụng nhanh hơn acetaminophen hoặc ibuprofen, nhưng tác dụng giảm đau không kéo dài lâu, nên có thể dùng phối hợp với thuốc giảm đau.
Lưu ý, viên ngậm có nguy cơ gây nghẹt thở, do đó không nên cho trẻ nhỏ dùng, thay vào đó hãy dùng thuốc xịt.
5.Các biện pháp hỗ trợ không dùng thuốc
Có thể áp dụng một số cách phòng ngừa lây bệnh và có thể cảm thấy dễ chịu hơn khi bị viêm họng:
- Rửa tay và che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi là cách thiết yếu và hiệu quả cao để ngăn ngừa sự lây lan của nhiễm trùng.
- Sử dụng máy làm ẩm sạch hoặc máy phun sương mát trong nhà.
- Súc miệng bằng nước muối (trộn ¼ đến ½ muỗng cà phê muối ăn thông thường trong 250ml nước ấm và súc miệng từ 10 đến 20 giây). Trẻ em còn quá nhỏ để hiểu cách súc miệng không nên sử dụng biện pháp khắc phục này.
- Uống đồ uống ấm và nhiều chất lỏng như trà, nước canh hoặc súp cũng có thể giúp giảm đau họng tạm thời.
- Dùng mật ong để giảm ho cho người lớn và trẻ em từ 1 tuổi trở lên.
Hãy để Dược Sĩ 5s trở thành người bạn đồng hành không thể thiếu trong việc chăm sóc sức khỏe bạn và gia đình bạn! Có bất kỳ thắc mắc nào bạn cứ Comment hoặc Inbox cho chúng mình nha, Dược Sĩ 5s luôn sẵn sàng để hỗ trợ bạn hết mình!